5 bất thường cuối thai kỳ mẹ cần chú ý

5 bất thường cuối thai kỳ mẹ cần chú ý

3 tháng cuối thai kỳ là khoảng thời gian quan trọng với mẹ và thai nhi. Việc sinh nở có thuận lợi hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của mẹ trong giai đoạn này. Chính vì điều đó mẹ bầu cần phải chăm sóc sức khỏe cẩn thận, đặc biệt chú ý đến những bất thường của cơ thể để có sự can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.


1. Phù nề

Phù nề khi mang thai là hiện tượng phổ biến, do lượng nước trong cơ thể mẹ bầu tăng lên. Sự tích trữ nước sẽ khiến một số bộ phận cơ thể như ngực, tay chân bị phù nề. Càng về cuối thai kỳ, triệu chứng này sẽ càng tăng. Để tránh hiện tượng phù nề, bà bầu nên thường xuyên đi lại nhẹ nhàng; ngâm chân, tay vào nước ấm để giảm bớt hiện tượng.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, nếu phù nề toàn thân hoặc đã dùng nhiều phương pháp nhưng phù nề vẫn không có dấu hiệu giảm thì nên đi khám bác sĩ. Bởi phù nề quá mức có thể là dấu hiệu của hội chứng tiền sản giật và nhiều bệnh khác như tim, gan, thận… nguy hiểm cho bản thân mẹ và thai nhi.

2. Khó thở, tức ngực

Khó thở và tức ngực có thể diễn ra trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, do nhu cầu oxy của cơ thể tăng đột biến. Để giảm bớt cảm giác khó chịu, bà bầu nên hít sâu rồi từ từ thở ra để giúp cơ thể thu nạp được nhiều oxy hơn.

Nhưng nếu hiện tượng này diễn ra thường xuyên trong 3 tháng cuối thai kỳ, đi kèm với triệu chứng phù nề nghiêm trọng thì bạn cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra.

3. Các cơn co thắt tử cung

Cơn co thắt tử cung sẽ bắt đầu xuất hiện từ tháng 6 – 7 của thai kỳ. Những cơn co thắt sẽ tăng dần về cường độ và thời gian. Thông thường, khoảng từ 10 – 20 phút cơn co thắt lại xuất hiện một lần. Đó là hiện tượng bình thường ở bà bầu.

Nhưng nếu cơn co thắt quá dữ dội và kéo dài, kèm theo ra máu ở âm đạo thì bạn nên đến bệnh viện sớm. Bởi đó có thể là dấu hiệu của việc sinh non hoặc sảy thai đấy.

4. Những cơn đau bụng

Trong những tháng cuối thai kỳ, tử cung mở rộng để chuẩn bị cho sự ra đời của thai nhi. Do đó, áp lực với vùng bụng dưới sẽ tăng lên, làm giãn dây chằng và dẫn đến những cơn đau bụng hoặc nhói ở bên sườn. Các cơn đau thường xuất hiện khi mẹ bầu đứng lên hoặc ngồi xuống. Đây là những con đau bình thường, chuẩn bị cho quá trình sinh con của mẹ.

Tuy nhiên, nếu cơn đau liên tục, kéo dài và đau dữ dội kèm theo những triệu chứng như buồn nôn, sốt thì bạn nên nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra.

5. Tụt huyết áp, chóng mặt

Khi mang bầu, hiện tượng chóng mặt, tụt huyết áp là bình thường. Do khi đứng lên, ngồi xuống đột ngột, máu không kịp lưu thông dẫn đến chóng mặt. Vào giai đoạn cuối của thai kỳ, trọng lượng của tử cung tăng lên đáng kể gây áp lực cho tĩnh mạch chủ khiến hiện tượng chóng mặt ở bà bầu tăng lên.

Nếu bà bầu bị tụt huyết áp thường xuyên, kèm theo ốm yếu, mệt mỏi và buồn nôn kéo dài thì nên đến bệnh viên để kiểm tra. Rất có thể bạn đang bị thiếu sắt, suy nhược cơ thể hoặc các bệnh nguy hiểm khác.

Tổng hợp