6 bí quyết để việc luyện tập giảm cân sau sinh hiệu quả
6 bí quyết để việc luyện tập giảm cân sau sinh hiệu quả
Sau khi sinh, hầu hết các mẹ đều bị “sốc” về cân nặng của mình và sự thay đổi của cơ thể. Mẹ đừng vội chán nản nhé, chỉ cần chăm chỉ luyện tập, chế độ ăn uống nghỉ ngơi cân bằng cộng với những bí quyết như dưới đây, mọi thứ sẽ trở về như cũ thôi mẹ nhé.
1. Bắt đầu tập luyện từ từ
Sau khi sinh, nhiều mẹ nôn nóng muốn lấy lại vòng eo vóc dáng thon gọn như thời con gái nên đã lao vào tập luyện với cường độ mạnh. Tuy nhiên theo các chuyên gia điều này sẽ khiến sức khỏe vốn đã “cạn kiệt” của họ sau thời gian “vác ba lô ngược” 9 tháng và ca sinh nở đầy nhọc nhằn chậm bình phục.
Vì thế, mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức trong 6 tuần trước khi tham gia tập bất cứ môn thể thao nào. Trong thời gian này mẹ có thể đi lại vận động nhẹ nhàng trong nhà.
2. Chú ý tránh chảy máu âm đạo
Khi bắt đầu nâng cao cường độ tập luyện thể dục thể thao của mình, các mẹ cần tập trung chú ý tới các dấu hiệu của cơ thể. Nếu thấy tình trạng chảy máu âm đạo đột nhiên trở nên nghiêm trọng hơn, điều này có nghĩa là cơ thể của mẹ cần thêm thời gian để bình phục. Vì vậy hãy ngừng tập và đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời nhé.
3. Quan tâm tới các bài tập cơ sàn chậu
Các mẹ nên biết rằng trong quá trình tập luyện, nếu gây áp lực quá nhiều lên ổ bụng trong khi cơ sàn chậu yếu sẽ ảnh hưởng tới quá trình hồi phục sức khỏe hay thậm chí là gây hại tới các cơ quan nội tạng của cơ thể.
Khi bắt đầu mẹ lựa chọn bài tập Kegel. Bài tập Kegel cũng giúp các mẹ ngăn ngừa chứng tiểu són, sa tử cung sau sinh. Bài tập Kegel phổ biến là co thắt các cơ quanh vùng sinh dục như thể ngăn dòng tiểu lại. Giữ như vậy trong vòng vài giây và sau đó thả ra. Làm liên tục vài lần như vậy mỗi khi tập, và tập mỗi ngày 5-10 lần tùy theo khả năng của mình.
4. Lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng
Relaxin, hormone chịu trách nhiệm “làm mềm” dây chằng và khớp xương trong quá trình mang thai và vượt cạn có thể ở lại trong cơ thể bạn tới 6 tháng sau khi bé chào đời hoặc đến khi bạn đã ngừng cho con bú. Hormone này là nguyên nhân khiến khớp xương lung lay, không ổn định còn xương chậu thì lỏng lẻo. Vì vậy hãy chú ý tập các bài tập nhẹ nhàng, tránh những động tác chùng gối, đá bên và không được kéo dãn nhiều quá.
5. Uống đủ nước trong ngày
Để đảm bảo nguồn năng lượng trong cơ thể và lượng sữa tiết ra đều đặn (nếu đang trong thời gian cho con bú), mẹ cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Chú ý đừng đợi đến khi cơ thể khát khô mới bắt đầu uống bởi khi đó các mẹ đã bị mất nước.
Các mẹ có thể kiểm tra xem cơ thể mình đã uống đầy đủ nước chưa bằng cách kiểm tra màu nước tiểu. Nước tiểu có màu vàng đậm đồng nghĩa với việc cơ thể chị em đang thiếu nước trầm trọng. Nếu không thích uống nước lọc, các mẹ có thể dùng thêm nước trái cây, sinh tố…
6. Nghỉ ngơi sau khi tập luyện
Vào cuối buổi tập, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể lấy lại năng lượng. Hãy dành vài phút nằm thư giãn hoàn toàn, thả mình trên sàn phòng tập, nhắm mắt lại, hít thở đều đặn, nghe một chút nhạc không lời. Ngoài ra hãy chú ý tranh thủ ngủ khi bé yêu của bạn ngủ bởi điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại sức khỏe.
Tổng hợp