Bị ra máu khi mang thai nguy hiểm thế nào?
Bị ra máu khi mang thai nguy hiểm thế nào?
Mỗi tháng, trong tử cung chúng ta phát triển một lớp nội mạc dày có nhiều máu để chuẩn bị cho trứng rụng và làm tổ. Nếu trứng không làm tổ – cùng nghĩa với không có thai thì lớp màng này bị bóc và thải ra ngoài cơ thể, ta gọi là kinh nguyệt. Còn khi trứng làm tổ, lớp nội mạc này sẽ tiếp tục thực hiện vai trò nuôi dưỡng của mình. Vì vậy, phụ nữ chỉ có thể có kinh khi không có thai. Bạn sẽ không có kinh trở lại cho đến hết thai kỳ.
Vậy trong suốt thai kỳ, thai phụ có bị ra máu không?
Phụ nữ khi mang thai vẫn có thể bị ra máu, do nhiều lý do. Có một số là bình thường, chẳng hạn có những phụ nữ khi đến gần kỳ kinh thì phát hiện thấy bị chảy máu nhẹ, có thể chỉ là vài đốm màu nâu sáng, nhạt hơn nhiều so với máu trong các kỳ kinh trước. Ít lâu sau đó họ thử thai thì phát hiện mình đã có tin vui. Một số chuyên gia giải thích hiện tượng “đổ máu” nhẹ này là do trứng thụ tinh đào vào thành tử cung để làm tổ.
Phụ nữ mang thai cũng có thể bị ra máu một chút sau khi làm Pap smear, làm kiểm tra âm đạo, hoặc sau khi quan hệ tình dục – đó là bởi trong thai kỳ, máu dồn xuống cổ tử cung nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp phát hiện thấy khác, việc ra máu trong thai kỳ cần được bạn đặc biệt lưu tâm. Nếu một phụ nữ đang mang thai và bị chảy máu, dù có đau hay không đau, thậm chí cả khi đã hết chảy máu thì cũng phải gọi bác sỹ ngay để được hướng dẫn, bởi đó có thể là dấu hiệu của nhiều bất thường nghiêm trọng như có vấn đề với nhau thai, nhiễm trùng, sảy thai, thai ngoài tử cung gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các trường hợp ra máu nguy hiểm
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nếu người mẹ bị sảy thai (hoặc dọa sảy thai) thì thường bị chảy máu nhiều, kèm với tử cung bị co thắt, chuột rút, đau bụng dưới giống như khi có kinh, ngoài ra còn có thể có những cục máu đông. Nếu điều này xảy ra, bạn nhất thiết cần đến bệnh viện ngay.
Nếu là thai ngoài tử cung, lượng máu chảy ra có thể ít hoặc nhiều, không nhất định, người mẹ thường bị đau nhói ở lưng dưới, lệch về một bên, có thể bị chóng mặt, choáng váng. Thai ngoài tử cung có thể đe dọa đến tính mạng nếu nó làm đứt vòi trứng nên nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây cũng cần gọi bác sỹ hoặc đi cấp cứu ngay.
Sang tam cá nguyệt thứ 2 hoặc 3, việc ra máu có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng liên quan đến nhau thai, như nhau tiền đạo hoặc bong nhau thai, sảy thai hoặc sinh non. (Việc ra máu trong tam cá nguyệt thứ nhất cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề xảy đến với nhau thai.)
Đến giai đoạn gần sinh, khi cổ tử cung của người mẹ bắt đầu giãn nở để chuẩn bị cho việc sinh con, nút nhầy trong tử cung có thể bong ra và có dính theo chút máu. Nếu bạn đã mang thai được 37 tuần thì nhìn chung không cần quá lo lắng về việc này. Tuy nhiên, nếu ngoài nút nhầy, bạn bị chảy nhiều máu, hãy gọi bác sỹ ngay.
Trên đây là những thông tin để bạn tham khảo, không được coi như chẩn đoán đặc biệt. Khi cảm thấy lo lắng, bạn hãy tìm đến bác sỹ ngay để được trợ giúp cụ thể và kịp thời nhé.
Humana VietNam dịch theo www.who.int