Cách cho con bú hiệu quả

Cách cho con bú hiệu quả

Cho con bú tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng nhiều phụ nữ lần đầu làm mẹ lại chưa biết cách cho con bú. Không biết cách cho con bú có thể khiến trẻ bú kém, khó bú, bú không đủ no… khiến bé chậm lên cân, làm mẹ luôn căng thẳng và lo lắng khi lần đầu chăm sóc trẻ.

Dưới đây là hướng dẫn cách cho con bú mẹ hiệu quả, giúp mẹ dễ dàng hơn trong việc nuôi con bằng nguồn sữa mẹ quý giá.

Tư thế bế trẻ khi cho bú

– Tư thế của mẹ khi cho con bú phải thoải mái, thư giãn, có thể nằm hoặc ngồi tùy ý. Nhưng lưu ý trong tuần đầu sau đẻ thì các mẹ nên nằm, còn những tuần sau đó mẹ có thể ngồi cho con bú.

– Bế trẻ sao cho đầu và thân trẻ phải tạo thành thành đường thẳng.

– Bụng trẻ sát vào bụng mẹ.

– Mặt trẻ quay vào vú mẹ.

– Mẹ đỡ vai và mông trẻ.

– Miệng bé mở rộng, cằm bé chạm vào vú mẹ.

– Môi dưới đưa ra ngoài.

– Bé ngậm cả quầng vú, quầng vú còn lại ở phía trên miệng bé nhiều hơn ở phía dưới.

– Má bé phồng ra.

– Khi bú đúng, bé sẽ mút chậm, sâu, thỉnh thoảng ngừng lại và bạn có thể nghe tiếng nuốt “ực” của bé.

Cách mẹ nâng bầu vú

Ngón tay cái để phía trên vú, ngón tay trỏ nâng vú, các ngón tay còn lại tựa vào thành ngực phía trước, các ngón tay không nên đặt gần núm vú.

Để giúp trẻ ngậm bắt vú tốt và bú có hiệu quả, các mẹ nên:

– Chạm vú vào môi trẻ.

– Chờ đến khi miệng trẻ mở rộng.

– Nhanh chóng đưa vú vào miệng trẻ.

Thời gian cho con bú

– Cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt để tận dụng sữa non, tốt nhất là cho bú sớm 30 phút đầu sau đẻ.

– Thời gian cho một cữ bú khoảng 15 – 20 phút.

– Cho trẻ bú đến khi trẻ tự nhả vú ra.

– Cho trẻ bú từng bên một, hết bên này mới chuyển sang bên kia để trẻ nhận được sữa cuối giàu chất béo.

– Sau bữa bú nên vắt hết lượng sữa còn lại.

– Cho trẻ bú hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, cho bú bất cứ lúc nào trẻ muốn cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày cho trẻ bú ít nhất 8 lần.

Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn không cần ăn bổ sung bất cứ thứ gì khác

Ngoài sữa mẹ, những tháng đầu sau sinh, bạn không nên cho trẻ ăn bất cứ loại thức ăn bổ sung khác như sữa bột, nước đường, nước cam thảo… Các thức uống này dễ nhiễm khuẩn, khiến trẻ dễ mắc tiêu chảy.

Khi ăn thức ăn bổ sung khác ngoài sữa mẹ, trẻ dễ hình thành khả năng không dung nạp chất protein trong sữa mẹ nên dễ bị dị ứng, chàm. Trẻ sẽ mất cảm giác thích thú sữa mẹ vì không còn cảm thấy đói. Điều này sẽ khiến bạn dần dà không tiết ra sữa và dẫn đến mất sữa.

Chăm sóc núm vú của mẹ luôn khỏe mạnh, sạch sẽ

Trước và sau khi cho bé bú, mẹ có thể dùng khăn mềm và nước ấm để vệ sinh vú. Mỗi khi cho trẻ bú xong, mẹ nhớ rửa núm vú cho thật khô. Tuyệt đối không nên bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch diệt khuẩn trên vùng ngực, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú.

Mẹ hãy để cho núm vú của mình được tiếp xúc nhiều với không khí. Việc dùng miếng lót sữa và áo lót ngực bằng sợi tổng hợp sẽ gây thoát khí kém. Tốt nhất là mẹ hãy chọn cho mình một cái áo lót thoải mái riêng để cho bú, cả ngày lẫn đêm trong những tuần đầu. Một cái áo lót quá chật có thể làm tắc các ống dẫn sữa.

Chú ý những dấu hiệu trẻ đã bú sữa

– Mẹ đã cho trẻ bú từ 10 – 20 phút sau mỗi hai giờ đồng hồ.

– Trẻ có vẻ buồn ngủ sau một thời gian cho bú.

– Trẻ tè dầm ít nhất sáu chiếc tã/ngày.

– Trẻ phải tăng cân. Hầu hết trẻ sẽ sút một vài lạng trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh nhưng sau đó trẻ sẽ bắt đầu tăng cân trở lại.

Tổng hợp