Chọn giày đẹp cho đôi chân bớt phù nề

Chọn giày đẹp cho đôi chân bớt phù nề

Bầu bí là thời điểm đôi bàn chân bạn chịu nhiều áp lực nhất vì phải nâng đỡ toàn phần cơ thể đã tăng cân quá mức trong thời gian ngắn, có khi tăng đến hơn 20 kg suốt thai kỳ.

Do đó, để đảm bảo đôi chân không bị “quá tải”, việc chọn giày dép khi thai nghén trở nên rất quan trọng với bất kỳ mẹ bầu nào. Ngoài ra, một đôi giày êm chân, gọn gàng và có đế bám tốt còn giúp mẹ bầu tránh được các rủi ro trượt ngã rất nguy hiểm, nhất là vào những tháng cuối, khi bụng bầu quá to làm trọng tâm của bạn bị thay đổi, dẫn đến thường xuyên va vấp, mất thăng bằng.


Sai lầm phổ biến trong việc chọn giày của mẹ bầu

Sau đây là những sai lầm thường gặp nhất ở bà bầu khi chọn giày trong suốt thời kỳ thai nghén:

– Chọn giày rộng để “trừ hao”: Thay vì sắm một đôi giày thật vừa vặn vào sáu tháng đầu, và thêm một đôi nữa cho ba tháng cuối của thai kỳ, nhiều bà bầu lại tiết kiệm hơn bằng cách chọn một vài đôi có kích cỡ rộng vào những tháng thai nghén đầu tiên để dự trù sau này khi chân to ra sẽ khỏi phải mua thêm giày mới. Đây là  sai lầm khá nguy hiểm cho sức khỏe, bởi việc mang giày không tương thích với chân có thể gây đau ở các vùng khác nhau như gót, cổ chân, các ngón chân, thậm chí ở cẳng chân, khớp gối hoặc vùng thắt lưng do làm tăng áp lực đến các cơ bắp.

Ngoài ra, bà bầu khi mang giày hay dép quá rộng rất dễ bị viêm, chấn thương chân như bong gân, dễ trượt ngã do bàn chân lỏng lẻo không được giữ chắc trong giày, các đầu ngón chân phải quặp xuống để gắng sức bấu chặt vào mặt đất khi di chuyển ….


– Quá chuộng giày cao gót: Do khi mang bầu, thân hình chị em bị “phì nhiêu” hơn trước rất nhiều, nên nhằm cứu cánh cho ngoại hình, không ít bà bầu chọn giày cao gót để làm bạn đồng hành khi đi chơi hay đến công sở. Thật ra, những đôi giày cao gót, dù phần đế chỉ khoảng 4 – 5 cm cũng có thể gây hại cho bà bầu. Việc thường xuyên mang giày cao gót, nhất là những kiểu giày có phần mũi nhọn, thường làm thay đổi tư thế người mang, làm gia tăng áp lực lên lưng, đầu gối, gây nên các bệnh lý như viêm lớp cân mạc lòng bàn chân do bị căng giãn quá mức, làm viêm, biến dạng khớp ngón chân cái, ngón út.

Mẹo chọn giày đẹp, an toàn khi bầu bí

Để chọn một đôi giày vừa đẹp, êm chân, vừa thoải mái, an toàn cho cả mẹ và bé, chị em cần lưu ý các mẹo nhỏ sau đây:

– Chọn cỡ giày: Cỡ giày phù hợp phải được lưu ý cả về chiều dọc và chiều ngang của bàn chân như sau: chiều dài được đo từ gót đến ngón dài nhất, cộng thêm 2/3 cm; chiều ngang là phần rộng nhất của đôi giày ứng với số đo từ ngón cái đến ngón út ở đoạn tiếp giáp giữa các ngón với phần mu bàn chân.

– Độ cao. chiều cao phần đế phù hợp nhất cho bà bầu theo khuyến cáo của các chuyên gia nằm trong khoảng từ 2 – 3 cm. Đồng thời, bà bầu cũng nên chọn giày có độ dốc vừa phải, phần mũi giày có độ hếch hợp lý với bước chân đi. Lưu ý phần đế giày nên có các đường vân hình sóng hoặc phải có điểm bám tốt để tạo lực ma sát với mặt đường, tránh nguy cơ trơn trượt, té ngã.

– Kiểu dáng và chất liệu: Giày búp bê, giày mọi, giày sandal có phần quai hậu chắc chắn là lựa chọn tốt nhất cho chị em thai phụ. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên lưu ý không chọn giày có phần quai bằng dây buộc thắt rườm rà vì sẽ gây khó khăn khi mang do bị che khuất tầm nhìn bởi chiếc bụng bầu. Những kiểu giày có phần gót sau được gia cố thêm dây chun co giãn được rất phù hợp cho mẹ bầu ở những tháng đầu tiên của thai kỳ do có tác dụng ôm chân khá tốt, nhưng vào 3 tháng cuối, khi chân đã bắt đầu phù nề thì kiểu giày này lại là một trong những tác nhân gây khó chịu cho bà bầu nếu mang quá thường xuyên trong thời gian dài. Đồng thời, cần quan tâm đến yếu tố thông thoáng bằng những phần lưới hay lỗ nhỏ trên thân giày giúp chân bà bầu có thêm không gian để “thở”, nhất là khi bầu bí, chân sẽ tiết mồ hôi nhiều hơn. Chất liệu giày cũng phải mềm, có tính đàn hồi tốt, phần đế lót êm ái và thấm hút cao.

– Thời điểm mua giày. Nên mua giày trong 6 tháng đầu và 1 lần mua giày tiếp theo cho 3 tháng cuối, do 2 thời điểm này chân có sự thay đổi khác nhau rõ rệt. Đồng thời bà bầu cũng nên mua giày vào buổi chiều, kiểm tra độ chắc cũng như độ co giãn của đế bằng cách gập và vặn vùng này. Để chân không bị gò bó quá nhiều, hãy thay giày ít nhất 2 ngày/lần và để giày ở nơi thoáng khí ít nhất tám tiếng trước khi cất vào tủ hay hộp.

– Giữ vệ sinh. Do trong thời gian bầu bí, lượng mồ hôi ở chân sẽ gia tăng nhiều, nên bà bầu cần giữ vệ sinh đôi chân thật kỹ, thường xuyên rửa chân và giữ chân khô ráo. Ngoài ra có thể dùng thêm bột hút ẩm để rắc vào giày dép giúp chúng luôn khô thoáng, giảm bớt mùi hôi và tránh trơn trượt.

Theo Eva