Con sợ bác sĩ, mẹ đã có cách!
Con sợ bác sĩ, mẹ đã có cách!
Nỗi sợ bác sĩ hầu như trẻ nhỏ nào cũng bị. Bạn hãy giúp bé xóa tan nỗi sợ bác sĩ để quá trình điều trị được thuận lợi hơn bằng những cách dưới đây.
1. Xây dựng “hình tượng”
Nếu
thấy bé có thái độ “kỳ thị” bác sĩ và bệnh viện, bạn nên thường xuyên
kể chuyện cho bé về một nhân vật tưởng tượng hoặc có thật liên quan đến
ngành y tế. Hãy nêu những điểm tốt để bé có cảm giác gần gũi và hơi
“thần tượng” nhân vật này.
Đến khi bé đối mặt với một bác sĩ
bằng xương bằng thịt, bạn hãy khéo léo so sánh bác sĩ này với nhân vật
bé được nghe kể hàng ngày kia. Lúc đó, bé sẽ cảm thấy sự gần gũi mà dần
dần xóa đi cảm giác sợ bác sĩ và tỏ thái độ hợp tác hơn trong quá trình khám chữa bệnh.
2. Chơi trò bác sĩ khám bệnh
Bạn
mua cho bé bộ đồ chơi bác sĩ, trong đó có các dụng cụ y tế phổ biến
như: ống tiêm, ống nghe, cặp nhiệt độ, mũ và áo trắng… Hàng ngày bạn có
thể đóng vai bệnh nhân để bác sĩ khám bệnh, kê đơn, tiêm thuốc… hoặc
hướng dẫn cho bé chơi trò chơi này cùng với các bạn cùng trang lứa.
Dần dần, bé sẽ cảm thấy trò chơi bác sĩ rất thú vị và từ đó sẽ giảm dần thái độ sợ bác sĩ, “ác cảm” khi đến bệnh viện khám bệnh.
3. Chuẩn bị tâm lý cho bé trước khi đi khám bệnh
Một
điều cần ghi nhớ và thực hiện đúng, đó là người lớn phải hết sức thành
thật khi nói với bé về việc đi khám. Bạn nên giải thích nhẹ nhàng với bé
rằng việc gặp bác sĩ hay khám bệnh là cần thiết, giúp bé không bị mệt,
bị đau nữa. Có thể mô tả một cách đơn giản quá trình khám bệnh để bé nắm
được “tình hình” và trả lời các câu hỏi của bé về việc này để tâm lý bé
được ổn định, không hoảng hốt.
Ảnh minh họa.
Trong
quá trình khám hoặc xét nghiệm, có thể có lúc bé sẽ bị đau thì bạn cũng
nên nói trước với bé, không nên nói qua loa, đại khái là tất cả đều
không sao cả. Xin nhắc lại một lần nữa là sự thành thật trong lời nói
của người lớn sẽ rất có ích trong việc làm giảm bớt nỗi sợ bác sĩ và hành vi chống đối của bé.
4. Phân tán sự tập trung của bé
Trẻ
nhỏ thường ham chơi và khi đã thích cái gì thì chỉ tập trung vào đồ vật
đó. Bạn có thể lợi dụng đặc điểm này để làm loãng sự chú ý của bé đối
với việc khám bệnh bằng cách hứa với bé sau khi đi khám xong sẽ đưa bé
đi chơi, mua sách… hoặc cho bé mang theo búp bê, thú nhồi bông hay đồ
chơi mà bé thích để chơi trong khi bác sĩ thăm khám cho bé.
Khi đó, nỗi sợ bác sĩ và bệnh viện của bé đã không còn là vấn đề to tát với bạn nữa.
5. Người lớn nên giữ bình tĩnh
Có
thể bạn không tin nhưng các chuyên gia tâm lý khẳng định sự lo lắng,
hốt hoảng của người lớn xung quanh về bệnh tình của bé sẽ lan truyền
nhanh chóng sang bản thân bé, khiến bé mất bình tĩnh và càng tỏ ra sợ bác sĩ hơn.
Cách
tốt nhất là bạn nên giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp, hãy cứ xem việc
đưa bé đến gặp bác sĩ là việc bình thường như bao việc khác và việc
tiêm, uống thuốc, xét nghiệm… là chuyện gần như tất nhiên.
Bạn
nên nhớ không chỉ riêng bé nhà bạn mà đứa trẻ nào từ khi sinh ra cũng
đều bị đau ốm, cảm sốt… không ít thì nhiều và việc gặp bác sĩ là điều
khó tránh khỏi vì vậy cha mẹ nên tìm cách để trấn an nỗi sợ bác sĩ của bé.
Nguồn: Afamily