Những thói quen xấu của bố mẹ gây hại cho con

Những thói quen xấu của bố mẹ gây hại cho con

Trẻ em học cách cảm nhận về mọi thứ từ những gì bạn nói và làm. Chúng sẽ bắt chước hành động của bạn. Do đó, đừng để những thói quen xấu của bạn gây hại cho con.

Cách tốt nhất để dạy trẻ những thói quen lành mạnh không phải là khen thưởng hay trừng phạt. Thay vào đó, hãy làm gương cho con. Để làm được điều này, bạn cần tránh  những thói quen xấu  tác động tiêu cực đến con. Sau đây là những thói quen xấu đó:

Chỉ trích bản thân

Chỉ trích ngoại hình bản thân sẽ khiến con lầm tưởng rằng lòng tự trọng của một người được đánh giá dựa trên trang phục hay cân nặng của họ.

Trẻ em, đặc biệt là các bé gái thường bị ảnh hưởng bởi những điều mẹ nói. Nó có thể khiến bé không thích ngoại hình của mình, dẫn đến những vấn đề về lòng tự trọng và cảm giác tệ hại về bản thân. Cả hai yếu tố này có thể dẫn  đến những thói quen không lành mạnh như ăn kiêng không đúng cách hoặc làm tăng nguy cơ rối loạn ăn uống.

Nếu bạn ăn nhiều để cảm thấy khá hơn khi buồn chán hay thất vọng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang gửi cho con mình một thông điệp sai lầm. Bạn đang khiến con ngộ nhận rằng ăn nhiều đồ ăn khiến con cảm thấy bản thân tốt đẹp hơn. Thay vì làm cách này, hãy thử trò chuyện cùng bạn bè hay đi dạo. Những cách này không chỉ khiến bạn cảm thấy khá hơn mà còn tốt cho sức khỏe.

Nhắn tin, gửi mail và gọi điện thoại quá nhiều

Thật không công bằng khi nhắc con không nhắn tin tại bàn ăn trong khi bạn cũng đang dính lấy máy điện thoại. Điều bạn làm sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ hơn hẳn những điều bạn nói. Hãy thiết lập quy tắc về việc sử dụng điện thoại, máy tính và tất cả mọi người trong gia đình, kể cả cha mẹ, phải tuân thủ quy tắc này.

Trẻ em xem ti vi, chơi máy tính quá nhiều thường gặp những vấn đề với giấc ngủ, cân nặng và kết quả học tập ở trường. Tuy nhiên, những đứa trẻ ăn bữa tối cùng gia đình có nguy cơ béo phì thấp.

Quá coi trọng vẻ bề ngoài

Hầu hết bé gái đều thích ăn diện, nhưng theo các chuyên gia, hãy cẩn thận nếu các bé dành toàn bộ thời gian để làm điều đó.

Ngoài việc ăn diện, chải chuốt, hãy tập cho bé những thói quen lành mạnh như đi dạo, chơi thể thao hay đọc sách. Điều này sẽ giúp bé xinh đẹp mà vẫn tự tin, mạnh mẽ. Thêm vào đó, bé sẽ nhận thấy sự năng động làm giảm stress hiệu quả. Nhớ dành cho bé những lời khen như “con thật thông minh” hay “con thật tốt bụng” nhiều như khi bạn khen con xinh xắn.

Uống rượu để giảm căng thẳng

Nếu bạn về nhà sau một ngày làm việc tồi tệ và nói rằng “mẹ cần một ly rượu”, bạn đang khiến con tưởng rằng rượu là liều thuốc hữu hiệu để giảm căng thẳng và khiến bạn thấy bản thân mình tốt đẹp hơn. Kể cả khi bạn không dùng rượu mà dùng cà phê, điều đó cũng không tốt hơn chút nào.

Thay vì chìm đắm trong rượu hay cà phê, hãy thử những cách lành mạnh để giảm căng thẳng. Thử tập thể dục, thiền định hay một môn gì đó giúp thư giãn và lôi kéo cả gia đình tham gia.

Biến mọi thứ thành cuộc đua

So sánh con với những đứa trẻ khác ( dù là bạn hàng xóm, bạn cùng lớp hay anh chị em) không hề là nguồn động lực thúc đẩy trẻ. Hãy thử những cách khác tích cực hơn như: khen ngợi khi thấy con cố gắng hết sức, giúp con vượt qua chín mình, tìm ra hoạt động con ưa thích và giúp con tham gia, luyện tập. Hãy trò chuyện với con về việc mỗi người đều phải tiến lên và điều đó khiến cuộc sống thêm tươi đẹp.

Luôn cãi nhau

Nếu thấy bố mẹ liên tục cãi nhau, trẻ sẽ hiểu rằng mình cũng có thể làm như vậy.

Stress thường là nhân tố gây ra các cuộc tranh luận, cãi vã. Nếu bạn không thể kiểm soát stress, hãy thử tìm hiểu những phương pháp điều tiết trạng thái căng thẳng. Tham gia vào các cuộc tranh cãi có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn vào lúc đầu, nhưng sau đó cảm giác sót lại vô cùng tồi tệ. Thêm vào đó, tình trạng căng thẳng sau các cuộc tranh cãi ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Trẻ có thể bị căng thẳng lây từ bố mẹ, mà điều này làm gia tăng nguy cơ béo phì.

Nói xấu người khác

Chỉ trích ngoại hình hoặc hành động của ai đó có thể là dấu hiệu của sự kém tự tin. Vì thế, khi bạn định nói xấu hay buôn chuyện, hãy nhắc bản thân dừng lại.

Tương tự, đừng xem quá nhiều chương trình buôn chuyện của sao hoặc đọc tin lá cải. Hãy ra ngoài và cùng gia đình thư giãn, tận hưởng cuộc sống.

Làm ngơ lỗi lầm của bản thân

Nếu bạn xử sự sai, đừng tảng lờ và hi vọng bọn trẻ không để ý. Hãy tự mình chỉ ra lỗi lầm hoặc để bọn trẻ giúp bạn dừng lại. Chắc chắn chúng sẽ rất sướng khi chỉ ra lỗi sai của bạn, còn bạn sẽ nhận thức rõ hơn về hành vi của mình. Nghiên cứu cho thấy, những gia đình tương trợ lẫn nhau luôn tìm thấy hạnh phúc.

Theo Yeutretho